Quy định pháp luật về xác định công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung
Bởi Hoa Nguyen
04/11/2024
Bài viết cung cấp cái nhìn toàn diện về quy định pháp luật liên quan đến việc xác định công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hôn nhân.

Theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Thông tư liên tịch số 01), về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, tuy nhiên, có xét đến các yếu tố sau nhằm xác định sự chênh lệch về tài sản mà vợ, chồng được chia (nếu có): Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.
Theo Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 giải thích: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”. Nếu như việc đóng góp bằng tài sản riêng, thu nhập còn có khả năng xác định được thì việc xác định đóng góp vào công việc gia đình và công sức lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung gần như không thể thực hiện được trên thực tế, bởi đây là yếu tố trừu tượng, khó định lượng.
Đối với khái niệm “công việc gia đình”, đây là một khái niệm mở, nên khó có thể đưa ra những trường hợp cụ thể, do đó, khó có thể áp dụng trên thực tế. Hơn nữa, nhiều công việc có thể được xem là công việc gia đình và không thể đưa ra mức độ quan trọng của từng công việc nên dẫn đến một thực tế là không thể xác định được bên nào có đóng góp nhiều hơn vào công việc gia đình. Chưa kể đến trường hợp, dù không trực tiếp làm những công việc gia đình nhưng vợ, chồng thuê người để làm, thì có được coi là có đóng góp vào việc gia đình hay không? Chính vì pháp luật đưa ra yếu tố phân chia tài sản quá mở và khó xác định nên trong các bản án, “hiếm” có Tòa án nào lại nêu căn cứ này để phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.

Có quan điểm cho rằng, việc xác định công sức đóng góp nêu trên mới chỉ mang tính chất định tính chứ không có một định lượng rõ ràng dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng không thống nhất.
Theo quan điểm của tác giả, tuy còn những vướng mắc nhất định khi áp dụng trên thực tế, việc quy định công việc gia đình là một trong các yếu tố được xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng đã bảo đảm được quyền lợi của người phụ nữ, thể hiện được tính nhân văn của pháp luật, cho thấy sự tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, để quy định này được áp dụng một cách hiệu quả trên thực tế, pháp luật cần quy định rõ yếu tố xác định bên nào có đóng góp vào công việc gia đình nhiều hơn, cụ thể như sau:
Một là, cần đưa ra phạm vi cụ thể cho “công việc gia đình”. Bộ luật Lao động năm 2020 khi quy định về lao động giúp việc trong gia đình có đề cập đến các công việc gia đình bao gồm: Công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại. Vì vậy, cần nghiên cứu, đưa ra phạm vi của “công việc gia đình” phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2020.
Hai là, khi xét đến yếu tố “công việc gia đình” khi phân chia tài sản cần căn cứ vào thời gian đóng góp vào công việc gia đình. Đây là yếu tố có thể xác định được trên thực tế.
Ba là, cần quy định việc đóng góp vào công việc gia đình có thể được vợ, chồng thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp. Đóng góp trực tiếp được hiểu là sử dụng trực tiếp công sức của vợ, chồng đóng góp vào công việc gia đình; đóng góp gián tiếp được hiểu là sử dụng tài sản riêng, công sức của mình để tìm kiếm sự hỗ trợ đối với công việc gia đình (ví dụ như sử dụng tài sản riêng để thuê giúp việc gia đình hoặc dành thời gian để tìm kiếm giúp việc gia đình…). Quy định này sẽ bảo đảm được sự công bằng trong việc xác định công sức đóng góp vào công việc gia đình.

Tương tự như việc xác định đóng góp của vợ, chồng vào công việc gia đình, việc xác định công sức trong việc duy trì, phát triển khối tài sản chung của vợ, chồng cũng gặp những vướng mắc nhất định.
Công sức trong việc tạo lập tài sản chung thường là một quá trình ngắn hạn. Vì vậy, để xem xét ai là người có công nhiều hơn trong việc tạo lập tài sản không gặp quá nhiều trở ngại.
Ví dụ: Đối với việc tạo lập tài sản chung là nhà ở, có thể tính đến công sức trong việc tìm kiếm nhà, tham gia giao dịch mua bán nhà (loại nhà ở đã có sẵn) hoặc công sức xây nhà, tìm kiếm nhân công xây dựng, trông coi, đôn đốc việc thi công… (loại nhà xây dựng mới); đối với việc tạo lập quyền sử dụng đất có thể kể đến việc khai khẩn, bồi đắp, tìm kiếm, tham gia giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Tuy nhiên, khác việc tạo lập tài sản, việc duy trì, phát triển khối tài sản chung là một quá trình lâu dài. Dù rằng nếu không có sự bảo quản, giữ gìn thì tài sản có thể sẽ không còn hoặc bị giảm giá trị, do có sự quản lý nên tài sản vẫn còn và giữ được giá trị (một phần hoặc toàn bộ) hoặc làm tăng giá trị của tài sản (giá trị tài sản có thể được tăng theo tự nhiên, do trượt giá hoặc do người quản lý có công cải tạo làm giá trị tài sản tăng giá trị) và việc pháp luật quy định đây là căn cứ để phân chia tài sản chung là có cơ sở nhưng việc xác định cụ thể và quy đổi công sức này để làm căn cứ giải quyết tranh chấp về tài sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như, trong trường hợp tài sản là căn nhà, có nhiều công việc được xem như là bảo quản, giữ gìn ngôi nhà như sửa chữa, sơn tường, quét dọn… khó có cặp vợ chồng nào lưu lại bằng chứng để chứng minh mình đã thực hiện những công việc này và thông thường thì cả vợ và chồng đều đóng góp công sức vào việc duy trì và phát triển tài sản.
Một nội dung nữa cần phải đề cập tới khi xác định công sức đóng góp là quy định “người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm”. Tác giả cho rằng, việc chăm sóc con, gia đình chỉ có thể đạt đến một mức giá trị nhất định và không thể lúc nào cũng đặt ngang bằng với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Hơn nữa, dù vợ, chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình nhưng không phải người còn lại không làm gì để chăm sóc con, gia đình, vì trên thực tế, ngoài thời gian đi làm thì đa phần vợ, chồng đều về nhà để chăm sóc con, lo một số công việc gia đình nhất định. Ngoài ra, có trường hợp những người đi làm phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, có trường hợp phải mất cực kỳ nhiều thời gian, công sức để kiếm được thu nhập tốt đóng góp vào khối tài sản chung. Bên cạnh đó, khái niệm “ở nhà chăm sóc con, gia đình” là một khái niệm trừu tượng, khó xác định.
Vì vậy, việc quy đổi ngang bằng công sức của người ở nhà và người đi làm là quy định không phù hợp với thực tế, đồng thời, pháp luật về hôn nhân và gia đình đã quy định nguyên tắc chung là chia đôi tài sản nên việc quy định công sức đóng góp của người đi làm ngang bằng với người ở nhà là không cần thiết. Theo đó, pháp luật nên quy định cụ thể để các thẩm phán có thể linh hoạt hơn trong việc quyết định dựa trên một số căn cứ như: Tính chất, thu nhập từ công việc; thời gian dành cho con, gia đình của vợ, chồng.
Dịch vụ xin visa Việt Nam cho người nước ngoài
Bởi Hoa Nguyen
16/10/2024
Dịch vụ xin visa Việt Nam của chúng tôi cung cấp giải pháp nhanh chóng và tiện lợi cho người nước ngoài cần nhập cảnh và tạm trú tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các loại visa từ ngắn hạn đến dài hạn, phục vụ cho mục đích du lịch, kinh doanh, đầu tư và thăm thân. Với quy trình đơn giản và chuyên nghiệp, chúng tôi đảm bảo tiết kiệm thời gian và mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Hãy liên hệ với chúng tôi ngay bây giờ để được hỗ trợ!
Thủ tục gia hạn visa Việt Nam cho người nước ngoài
Bởi Van Vu
16/10/2024
Gia hạn visa Việt Nam cho người nước ngoài là một trong những dịch vụ quan trọng giúp đảm bảo việc lưu trú hợp pháp tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp quy trình gia hạn visa nhanh chóng và đơn giản, phù hợp với nhiều loại visa như du lịch, công tác, và thăm thân. Với sự hỗ trợ tận tình và chuyên nghiệp, chúng tôi cam kết mang đến sự tiện lợi và an tâm cho khách hàng trong quá trình gia hạn visa. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết về thủ tục gia hạn visa Việt Nam.
Thủ tục xin cấp visa cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Bởi Van Vu
16/10/2024
Bài viết này hướng dẫn chi tiết thủ tục xin cấp visa cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, bao gồm các loại visa ngắn hạn và dài hạn, cùng điều kiện và thời hạn tương ứng. Ngoài ra, thông tin về quy định pháp lý và các văn bản cần thiết cũng được cung cấp để hỗ trợ người lao động nước ngoài và doanh nghiệp thực hiện thủ tục một cách hiệu quả và hợp pháp.
Cấp thị thực cho người nước ngoài tại cửa khẩu quốc tế
Bởi Van Vu
21/10/2024
Theo Điều 18 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, việc cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế cho người nước ngoài được quy định chi tiết.